Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Truyền nhiễm/
  4. Sởi

Bệnh sởi: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bác sĩLê Thị Quyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế, có nhiều năm kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt về Nội khoa, Hồi sức và Tiêm chủng vắc xin. Hiện tại, đang là bác sĩ tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu.

Xem thêm thông tin

Bệnh sởi là một nhiễm trùng cấp tính do virus Polinosa Morbillarum gây ra, biểu hiện bằng các triệu chứng như sốt cao và phát ban rộng khắp cơ thể. Bệnh này có khả năng truyền nhiễm cao, lây lan qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Biểu hiện của bệnh sởi đa dạng và mức độ nghiêm trọng có thể khác nhau tùy từng trường hợp. May mắn là bệnh sởi có thể phòng được nhờ việc tiêm ngừa vaccine đầy đủ với hiệu quả rất cao. Hãy cùng đọc bài viết để hiểu thêm về bệnh lý này nhé.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung sởi

Sởi là một bệnh dễ lây truyền do virus gây ra. Bệnh lây lan dễ dàng khi người bị nhiễm bệnh thở, ho hoặc hắt hơi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thì có đến 90% số người chưa có miễn dịch tiếp xúc sẽ bị lây nhiễm.

Bệnh sởi có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Bệnh sởi lây nhiễm đường hô hấp và sau đó lây lan khắp cơ thể. Các triệu chứng bao gồm sốt cao, ho, sổ mũi và phát ban khắp cơ thể.

Virus sởi có khả năng gây ra "xóa trí nhớ miễn dịch" làm cho cơ thể nhiễm bệnh có nguy cơ mắc những nhiễm trùng thứ phát mà trước khi mắc bệnh cơ thể có thể có thể chống lại được. Bệnh có thể gây ra bệnh nặng, biến chứng và thậm chí tử vong.

Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sởi hoặc lây cho người khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 136.000 người tử vong vì bệnh sởi vào năm 2022 - chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi, hầu hết là chưa được chủng ngừa hoặc là tiêm chưa đủ mũi. Hiện tại ở Việt Nam chu kì dịch sởi là mỗi 4 - 5 năm thì năm 2024 dịch sởi vẫn đang bùng phát tại Hồ Chí Minh và hầu hết cũng là ở những đối tượng chưa hoặc đã chủng ngừa nhưng chưa đầy đủ.

Hiện tại chưa có thuốc điều trị nên tiêm vắc xin ngừa sởi là cách tốt nhất để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Triệu chứng sởi

Những dấu hiệu và triệu chứng của sởi

Triệu chứng của bệnh sởi thường bắt đầu xuất hiện từ 8 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh và bao gồm sốt cao, mệt mỏi, ho khan, mắt đỏ, và chảy nước mũi. Sau vài ngày, phát ban đỏ và mảng xuất hiện trên mặt và lan rộng ra toàn thân, kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Các triệu chứng khác có thể gặp là đau họng, đốm trắng trong miệng, đau cơ, và nhạy cảm với ánh sáng.

Triệu chứng bệnh sởi theo từng giai đoạn:

Ủ bệnh sởi thông thường là từ 7 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với người bị bệnh sởi.

Tiền triệu gồm sốt cao từ 4 - 7 ngày, cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và đi kèm tam chứng: Đỏ mắt (viêm kết mạc) ho và chảy mũi (viêm đường hô hấp trên). Ngoài ra còn có thể có sưng hốc mắt, đau cơ và sợ ánh sáng. Dấu Koplik (màu trắng/xám có nền màu đỏ) có thể xuất hiện trong niêm mạc miệng ở vị trí đối diện với răng cối thứ hai vào 1 - 2 ngày trước khi phát ban. Đây là dấu hiệu đặc trưng của sởi nhưng không phải lúc nào cũng có.

Phát ban xuất hiện vào ngày thứ 7 - 18 ngày sau phơi nhiễm. Ban dạng sẩn hoặc mảng xuất hiện đầu tiên ở đầu, cổ và sau đó lan rộng xuống thân và sau cùng là ở các chi bao gồm cả lòng bàn tay và bàn chân sau 2 - 3 ngày. Có thể gây ngứa nhẹ.

Giai đoạn phục hồi ở sởi không biến chứng thì ban xuất hiện trong vòng 5 - 7 ngày trước khi mờ dần thành các mảng tăng sắc tố màu nâu, sau đó bong tróc ra. Ho sẽ là triệu chứng sau cùng biến mất.

Ở người đã được tiêm huyết thanh chống lại sởi sau phơi nhiễm: Giai đoạn ủ bệnh sẽ có thể sẽ kéo dài và triệu chứng cũng như thể điển hình nhưng sẽ nhẹ hơn.

Giải đáp thắc mắc ngay: Hình ảnh bệnh sởi ở người lớn​ theo từng giai đoạn

Bệnh sởi: Triệu chứng, nguyên nhân và nguyên tắc phòng ngừa 4
Ban dạng sẩn hoặc mảng xuất hiện trên da người bệnh sởi

Biến chứng có thể gặp khi mắc sởi

Hầu hết các biến chứng của bệnh sởi xảy ra do virus sởi ức chế phản ứng miễn dịch của vật chủ hay còn gọi là "xóa trí nhớ miễn dịch", dẫn đến tái hoạt các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc bội nhiễm do tác nhân gây bệnh là vi khuẩn. Các biến chứng gồm:

  • Tiêu chảy là biến chứng thường gặp nhất, tiêu chảy do bệnh sởi có thể dẫn đến tình trạng dinh dưỡng giảm sút. Các biến chứng đường tiêu hóa khác: Viêm nướu, viêm dạ dày - ruột, viêm ruột thừa, viêm gan, viêm hạch mạc treo ruột.
  • Ức chế miễn dịch gây ra nhiễm trùng thứ phát: Nhiễm trùng huyết, viêm phổi, lao phổi tiến triển, viêm thanh khí phế quản, viêm dạ dày ruột và viêm tai giữa gây ảnh hưởng đến thính lực sau này. Đây là nguyên nhân quan trọng gây tử vong liên quan đến sởi.
  • Biến chứng thần kinh liên quan sởi: Viêm não, viêm não lan tỏa cấp tính và viêm não xơ cứng bán cấp.
  • Biến chứng ở mắt của bệnh sởi: Viêm giác mạc (đây là tác nhân phổ biến gây mù lòa ở các nước đang phát triển) và loét giác mạc.
  • Biến chứng tim của bệnh sởi: Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

Viêm thanh khí phế quản (Croup), viêm não và viêm phổi là những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất liên quan đến bệnh sởi.

Nếu một phụ nữ mắc bệnh sởi trong thời kỳ mang thai, điều này có thể nguy hiểm cho người mẹ và có thể khiến em bé sinh non với nhẹ cân khi sinh ra.

Tìm hiểu sớm can thiệp kịp thời: Trẻ em mắc bệnh sởi có nguy hiểm không?

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được chủ quan trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Bệnh sởi: Triệu chứng, nguyên nhân và nguyên tắc phòng ngừa 5
Khi phát hiện bất kì triệu chứng nào của bệnh sởi, hãy đến bệnh viện ngay

Nguyên nhân sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính qua đường hô hấp do virus thuộc giống Morbillivirus, họ Paramyxoviridae gây ra.

Virus sởi sau khi xâm nhập qua niêm mạc đường hô hấp hoặc kết mạc thông qua giọt bắn. Chúng bắt đầu nhân lên ở tế bào đại thực bào ở đường hô hấp, hiện tượng viêm sẽ gây ra tam chứng: Đỏ mắt, ho và chảy nước mũi, virus đi vào máu thì sẽ biểu hiện sốt toàn thân. Và ban là kết quả của sự thâm nhiễm tế bào bạch cầu (lympho) xung quanh mạch máu.

Tìm hiểu nguyên nhân phòng bệnh kịp thời: Vì sao trẻ dễ bị mắc bệnh sởi khi thời tiết giao mùa

Chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo

Câu hỏi thường gặp về bệnh sởi

Bệnh sởi bị mấy lần trong đời?

Đa số mọi người chỉ mắc bệnh sởi một lần trong đời, bởi sau khi khỏi bệnh hoặc được tiêm vắc xin, cơ thể thường có khả năng miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, người từng mắc sởi hoặc đã tiêm vắc xin vẫn có thể bị tái nhiễm do khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian hoặc do tiếp xúc với một chủng virus khác. Để ngăn ngừa bệnh sởi và tăng cường khả năng miễn dịch, tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất. Tiêm đủ liều vắc xin sẽ giúp bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi nguy cơ mắc bệnh.

Xem thêm thông tin: Bệnh sởi bị mấy lần trong đời và làm sao để phòng ngừa sởi?

Phân biệt mỗi giai đoạn tiến triển của bệnh sởi ở người lớn?

Cách phân biệt bệnh sởi và rubella như thế nào?

Khi bị sởi thì uống thuốc gì?

Khi mắc bệnh sởi mấy ngày khỏi?

Hỏi đáp (0 bình luận)